-
- Tổng tiền thanh toán:
Anh em nhà Karamazov, tác phẩm cuối cùng của Dostoevsky, chính là kiệt tác vĩ đại nhất mà ông để lại cho hậu thế sau hơn bốn chục năm miệt mài lao động văn học. Bằng ngòi bút thiên tài của mình, Dostoevsky đã phản ánh tình trạng hỗn loạn xã hội của nước Nga nửa sau thế kỷ 19 qua sự tan rã và những bi kịch trong nhà Karamazov, cùng với đó là cuộc “tìm kiếm ý nghĩa tồn tại” ở những con người thuộc các thế hệ quá khứ, hiện tại và tương lai của nước Nga, về những đau khổ vô lượng, và những con đường có thể giúp đưa tới hòa đồng xã hội.
Với phần đông mọi người, đọc Dostoevsky chính là diễu qua lịch sử ngắn gọn những bi kịch chung nhất của nhân loại, là leo lên những đỉnh cao tư tưởng, và đôi khi, thâm nhập vào những vỉa tầng sâu nhất trong nội tâm con người mà trước ông, không mấy khi có ánh sáng rọi đến chốn ấy. Bởi thế, dù đó là chuyến phiêu lưu tâm trí của tuổi trẻ hay phút chiêm nghiệm khi đọc sách và nhìn lại đoạn đời dày dặn đã qua, thiết nghĩ cuốn sách này sẽ đem lại cho chúng ta ít nhiều dư vị nào đó.
Thông tin tác giả: Fyodor Mikhailovich Dostoevsky (1821 – 1881) sinh ra trong một gia đình thị dân trung lưu ở Moskva. Khí chất đặc biệt cùng những run rủi của số phận đã đem lại cho ông một cuộc đời nhiều thăng trầm. Xuyên suốt những năm tháng sóng gió, ông đã trở thành một tượng đài bất hủ của nền văn học Nga, với những di sản gây ảnh hưởng lên nhiều khía cạnh của bộ mặt văn hóa thế giới thế kỷ 20, trong đó có thiên tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov. Ông là một trong những tác giả được biết đến nhiều nhất đối với người yêu văn học trên toàn thế giới.
Nhận xét về tác phẩm:
“… có một cuốn sách có thể dạy bạn mọi thứ bạn cần biết về cuộc đời. Đó là Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky.”
- Kurt Vonnegut, Lò mổ số 5
“Hẳn bạn vẫn nhớ cái buổi chiều khi bạn lần đầu đọc Dostoevsky.”
- Henry Miller, Mùa xuân đen
“Tôi yêu nhân loại, - ông ta nói, - nhưng tôi ngạc nhiên về chính bản thân tôi: tôi càng yêu nhân loại nói chung thì lại càng ít yêu con người nói riêng, tức là tách bạch ra từng người riêng rẽ.”
- Trích Anh em nhà Karamazov